Khi đã có được sự tin tưởng từ nhóm công nhân, tôi từng nghĩ mọi chuyện đã vào guồng. Tưởng như mình chỉ việc ngồi trên con tàu sự nghiệp và thẳng tiến về phía trước.
Nhưng rồi, lúc tôi chủ quan nghĩ rằng sóng gió đã qua, thì một cơn bão khác lại ập đến – và lần này, nó không làm tàu nghiêng nhẹ, mà đánh vỡ nát con tàu của tôi thành từng mảnh.
Khi sự nhiệt tình trở thành con dao hai lưỡi
Có một điều mà tôi nghĩ nhiều kỹ sư trẻ sẽ phải trải qua, đó là: một khi bạn đã sống gần gũi với công nhân, thì bạn sẽ bị kéo vào một trách nhiệm lớn hơn vị trí của mình.
Công nhân tăng ca? Bạn phải hỗ trợ. Họ cần chỗ giải trí, bạn phải xoay xở. Có việc riêng trong giờ làm, bạn cũng là người đứng ra nói giúp. Dần dần, tôi không chỉ là “kỹ sư kỹ thuật” mà còn như “anh cả” của nhóm công nhân.
Tôi muốn làm điều tốt. Nhưng tôi lấn ranh giới.
Có lần, tôi tự ý quyết định hỗ trợ một khoản nhỏ cho anh em, vì thấy họ làm quá vất vả. Việc nhỏ, nhưng tôi làm mà không hỏi sếp. Lúc bị chất vấn, tôi không giải trình được – chỉ lắp bắp mấy câu: “Tụi ảnh cực quá, em thấy… nên giúp một chút…”
Giây phút đó, tôi thấy sếp thật tệ. Lạnh lùng. Vô cảm. Không hiểu gì về con người.
Khi bất mãn dâng lên, cái gì cũng thấy xấu
Từ hôm đó, mắt tôi như đeo một cặp kính màu xám. Mọi thứ tôi nhìn thấy ở sếp đều tiêu cực:
– Sếp keo kiệt.
– Sếp không chỉ dẫn tận tình.
– Sếp… không đẹp trai (!), lại còn hay nói cười với một cô nào đó dù đã có vợ.
Tôi ghét cả những người hay trò chuyện với sếp – trong đó có chú đội phó, người từng chỉ tôi học BIM khi mới vào nghề. Một người từng tốt với tôi, giờ tôi cũng gạt ra rìa.
Rạn nứt bắt đầu từ chuyện... đôi dép
Một lần, sau giờ làm, chú đội phó nói với tôi:
“Linh, chút xong nhớ lấy dùm chú đôi dép mang vào nha!”
Một câu nói rất đỗi bình thường, mà trong cơn bất mãn, tôi lại nghe như ra lệnh. Tôi không nói không rằng, vùng vằng bỏ đi. Chú bực, mắng tôi giữa đám đông. Sếp nghe được, quát tôi giữa cả đội. Tôi cúi mặt, nhưng lòng đầy lửa giận.
Tôi bắt đầu làm việc cầm chừng, không còn hăng hái như xưa. Có hôm, tôi giả vờ bệnh, chui vào lán nằm.
Chú đi ngang thấy vậy, chỉ nói nhẹ:
“Thôi, mày nghỉ luôn đi!”
Tôi biết đó là câu nói trong lúc bực bội. Nhưng lúc ấy, tính tự ái của một thằng trai trẻ bốc lên ngùn ngụt, tôi bật dậy, quát lại:
“Đuổi thì nghỉ!”
Cái kết cộc lốc – nhưng là cần thiết
Vậy là tôi nghỉ. Không trống, không kèn. Không bàn giao, không tiễn đưa. Cũng không ai giữ lại.
Sau này nhìn lại, tôi biết mình sai từ nhiều phía. Sự bồng bột, cái tôi lớn, sự bất mãn chưa kịp tiêu hóa… tất cả dẫn tôi đến quyết định nóng vội và trẻ con.
Và nếu được quay lại...
Tôi vẫn sẽ làm việc với công nhân bằng tất cả sự chân thành.
Tôi vẫn sẽ trăn trở khi thấy họ cực khổ.
Nhưng tôi sẽ không tự ý quyết định thay sếp.
Tôi sẽ học cách cân bằng giữa tình cảm và trách nhiệm.
Và quan trọng nhất, tôi sẽ học cách lắng nghe mà không phán xét, phản hồi mà không bùng nổ.
Lần đầu bị đuổi việc – tôi tưởng đó là một vết nhơ.
Nhưng càng sống, tôi càng thấy nó là một cột mốc cần có.
Vì nếu không bị dội gáo nước lạnh đó, tôi sẽ còn tiếp tục nghĩ mình “đúng” – và mang theo cái tôi ấy đi khắp mọi nơi, để rồi lại va, lại đau, lại vỡ.