Dù muốn dù không, tới một lúc nào đó bạn cũng phải ra đời kiếm sống. Nếu không sinh ra ở vạch đích, không có hậu thuẫn gì trong tay, thì tốt nghiệp xong đi làm là chuyện hiển nhiên. Tôi cũng vậy thôi – con nhà nông, hai bàn tay trắng, tốt nghiệp xong thì tính đường mưu sinh.
Nhưng đời đâu dễ. Hồi đó, kiếm việc cực lắm. Có người quen mà chưa chắc “lọt cửa”. Ba tôi – người mà cả đời tiếc từng lon bia – hôm đó mua nửa thùng về đãi khách. Không phải vì vui, mà vì muốn gửi gắm thằng con “vô tích sự” này. Người ta đến ăn nhậu là phụ, còn chính là coi có giúp được tôi đi làm ở đâu đó không.
Tôi đâu được ngồi vào mâm cha chú, chỉ lăng xăng rót bia, dọn dẹp. Lúc cao hứng, chú kia mới buông một câu nửa đùa nửa thật:
“Mày là đàn ông, mà sĩ diện vậy thì khó sống lắm đó con.”
Ba tôi – người lớn hơn chú cả gần một giáp – vẫn gật gù “dạ dạ”, vẫn rót bia, vẫn cười như không có gì. Còn tôi, lúc đó không biết là nóng máu hay xấu hổ nữa, chỉ buột miệng nói:
“Dạ, con sẽ tự xin việc. Con không nhờ ai cả.”
Không khí sượng lại. Chú kia ngưng nói, ba má tôi thì thở dài. Chị tôi kéo tôi ra một bên mắng cho một trận, còn má thì nghẹn ngào:
“Mày không biết thương ba má…”
Lần đầu tiên tôi thấy ba má phải cúi mình vì mình
Tôi sinh ra và lớn lên ở Quảng Nam – vùng đất đầy nắng gió, quanh năm gắn bó với ruộng đồng phụ giúp cha mẹ. Học xong cấp 2 thì tiếp tục lên cấp 3, rớt Đại học thì thi Cao đẳng, nếu không đậu nữa thì học Trung cấp hoặc đi làm. Quê tôi thời đó là vậy – không có nhiều lựa chọn.
Tôi không thấy mình ngầu khi nói câu đó. Tôi thấy… có lỗi.
Gần 22 tuổi đầu, chưa làm được gì cho ba má, lại khiến họ phải khép nép, cầu cạnh, nhún nhường trước người khác – không phải cho họ, mà cho tôi.
Chiều hôm đó, tôi ngồi một mình ngoài hiên. Trời lặng, gió thổi nhẹ, mà trong lòng thì nặng như đá đè. Tôi không khóc, nhưng cổ họng nghèn nghẹn. Một cảm giác rất khó gọi tên – mãi sau này tôi mới hiểu đó là cảm giác xấu hổ với chính mình.
Tôi nghĩ lại từng cái “khẳng khái” của mình nãy giờ. Nghĩ về ánh mắt của má khi nói câu ấy. Nghĩ tới tấm lưng gầy gò của ba đang lúi húi dọn dẹp sau buổi nhậu thất bại. Và tôi biết, mình không thể để cảnh này lặp lại lần nữa.
Tôi bắt đầu… từ đó
Tối hôm đó, tôi vô phòng, lấy cuốn sổ tay cũ ra, tự viết vài dòng – không phải để khoe, mà để dằn lòng:
“Từ nay, không để ba má phải cúi đầu vì mình thêm lần nào nữa.”
“Không cần làm lớn, chỉ cần làm đúng. Không giỏi thì học. Không có thì tự kiếm. Nhưng đừng để ai khinh thường người thân của mình vì mình nữa.”
Tôi bắt đầu xin việc. Không kén chọn, không chê lương thấp. Chỗ nào làm được, tôi làm. Có hôm đi bộ gần chục cây số để tới nơi phỏng vấn. Có hôm bị từ chối ngay từ câu đầu tiên. Nhưng tôi vẫn tiếp tục.
Tôi không mơ làm sếp, cũng không cần lương cao. Lúc đó tôi chỉ cần một điều:
“Đi làm. Tự kiếm tiền. Tự đứng vững. Để ba má yên tâm ngủ một đêm cho ngon.”
Tôi đi làm từ đó – không bắt đầu từ đam mê, cũng chẳng phải vì mục tiêu cao sang. Tôi bắt đầu vì một nỗi hổ thẹn, và một lòng thương ba má theo cách của tôi. Mà lạ lắm, bắt đầu bằng một điều thật lòng như vậy – thì dù gian nan, tôi vẫn đi được tới hôm nay.
Bài học đắt giá: Làm con là nghề sướng nhất đời
Trong những năm bôn ba công trường khắp Nam – Bắc, tôi nghiệm ra hai điều:
Một, trong các nghề trên đời, nghề làm con là sướng nhất. Dù bạn 5 tuổi hay 50 tuổi, ba má vẫn luôn là người dõi theo bạn từng bước, nhắc bạn ăn cơm, để dành cho bạn miếng ngon cuối cùng, hay “xí phần” giúp bạn một cơ hội làm việc – dù điều đó có thể khiến họ cúi đầu, nhún nhường.
Hai, khi người ta bắt đầu có chút thành tựu, họ thường muốn dạy người khác. Tôi cũng từng vậy – tự hào là kỹ sư, là người biết đọc bản vẽ giữa chục công nhân ngoài công trường – tôi tưởng mình “đỉnh”. Nhưng đời vả tôi vài cú đau điếng. Và tôi nhận ra:
👉 Người thành công thích chia sẻ là điều tốt. Nhưng nếu không tinh tế, lời nói tử tế cũng có thể trở thành “nhát dao” vô tình làm tổn thương người khác.
Đặc biệt là với người trẻ – lòng tự trọng của họ mỏng manh hơn ta nghĩ.
Nhìn lại…
Câu nói “Mày không biết thương ba má…” vẫn là vết sẹo dịu dàng trong tôi. Nó không còn làm tôi đau – nhưng nó luôn nhắc tôi sống sao cho xứng đáng.
Và nếu bạn – cũng như tôi ngày ấy – đang loay hoay sau tấm bằng, hoặc bị bủa vây giữa những áp lực “phải ổn định”, “phải có việc tốt”…
👉 Hãy hít một hơi thật sâu, và nghĩ:
“Mình đang sống cho ai? Vì điều gì? Mình đã làm gì để người thân yên tâm?”
Từ đó hãy đứng dậy và bước đi tiếp tục trên hành trình mình đã chọn
Tôi không biết liệu câu chuyện của tôi có giúp ích gì cho bạn. Nhưng nếu bạn đang cần một lời chia sẻ, hoặc chỉ muốn tìm hiểu mình nên học gì, làm gì trước, thì bạn có thể trò chuyện với tôi hoặc đội ngũ Nhất Nghệ.
📩 Gửi tin nhắn riêng qua Fanpage:
📞 Hoặc gọi: 0786.776.868